Thẩm âm Việt
Từng có nhận xét rằng nhạc Văn Cao khá Tây! Quả thực,ángtạonghệthuậtmangtínhliêxem tử vi hôm nay ông không hề mượn một làn điệu dân ca nào, nhưng những tiếp nhận từ phương Tây đã được chuốt lại theo thẩm âm Việt, đan kết hoặc xen kẽ với những nét đặc trưng của nhạc cổ Việt để chuyển tải một tâm hồn thuần Việt. Có thể thấy sự kết hợp đó ngay từ cái nhìn bao quát về thể loại và hình thức âm nhạc.
Văn Cao góp phần không nhỏ cho sự định hình thể loại trường ca trong âm nhạc, với Sông Lô là một trong những đỉnh cao của thể loại quy mô này. Ngoài ra còn một số thể loại cần ghi nhận vai trò của ông, đó là hành khúc với nhiều bài hát mang ý nghĩa lịch sử, là valse với các ca khúc trữ trình Thu cô liêu, Cung đàn xưa, Ngày mùa và Mùa xuân đầu tiên.
Về cấu trúc, Văn Cao có sự chuyển biến dần từ những thử nghiệm đầu tiên phát triển tự do theo bản năng đến ý thức về cấu trúc khúc chiết kiểu Tây; rồi không dừng ở khuôn khổ bài bản theo lý thuyết phương Tây mà luôn hướng tới tính linh hoạt trong lối phát triển chiều ngang đặc thù của nhạc cổ truyền VN.
Cấu trúc linh hoạt đã xuất hiện ngay từ những bài trữ tình nổi tiếng đầu thập niên 1940, rất gần với thể loại ballad. Có bài vừa tiếp nhận từ phương Tây kết cấu cân đối vuông vắn có nhắc lại trong khuôn khổ đoạn nhạc, vừa phát triển liên tục nét nhạc mới. Xét về tổng thể, các đoạn luôn đổi mới được nối tiếp khá tự do tựa như các trổ trong dân ca (Buồn tàn thu, Thiên thai, Trương Chi). Đồ sộ nhất là trường ca Sông Lô gồm 6 đoạn như những khúc sông luôn mới mẻ do thay đổi tốc độ, nhịp điệu, điệu tính, trạng thái, tính cách âm nhạc. Được ưu ái trong tình khúc, cấu trúc linh hoạt còn lan sang cả hành khúc, đây cũng là một trong những yếu tố Việt hóa thể loại hành khúc phương Tây.
Sự kết hợp giữa Tây và ta còn được thấy rõ hơn khi đi sâu vào những yếu tố chính trong ngôn ngữ âm nhạc của Văn Cao: điệu tính và điệu thức, âm vực và cung quãng, nhịp điệu và tiết tấu, đường nét giai điệu và thủ pháp phát triển tuyến nhạc.
Ý thức pha trộn màu sắc ở người có con mắt hội họa được bộc lộ rất sớm. Đơn giản nhất là sự tương phản trưởng - thứ giữa hai điệu tính cùng tên ở các tình khúc: Thiên thai, Trương Chi, Suối mơ… Phức tạp nhất là Sông Lô với sơ đồ hòa thanh phong phú, trong đó có chuyển điệu giữa hai giọng cùng hoặc khác tên, có lúc còn vượt khỏi mối quan hệ điệu tính họ hàng gần gũi. Điệu tính trưởng - thứ luôn được luân phiên với điệu thức ngũ cung. Lối tiến hành giai điệu tránh bán âm thường làm cho thang 7 âm của điệu tính trưởng - thứ mang dáng dấp sự kết hợp thang 5 âm của hai điệu thức ngũ cung.
Nói đến tính khí nhạc không thể bỏ qua nét nhạc dạo đầu. Nhiều bài hát của Văn Cao từ thập niên 1940 đã có vài nhịp nhạc dạo với giai điệu riêng dẫn dắt vào phần hát: Thiên thai, Bến xuân, Buồn tàn thu, Sông Lô, Trương Chi, Bài ca chiến sĩ hải quân. Nhờ tiềm tàng tính khí nhạc, bài hát của ông còn được trình diễn như tác phẩm không lời: Sông Lô, Ngày mùa…
Ngoài Tiến quân ca với vai trò quốc thiều (tấu nhạc không lời), còn nhiều hành khúc cũng được chuyển soạn cho dàn nhạc giao hưởng hoặc dàn kèn quân nhạc nghi lễ trong các chương trình kỷ niệm sự kiện lớn.
Tiên cảm của người nghệ sĩ
Không chỉ một lần âm nhạc của Văn Cao đã đi trước thế sự. Nhờ trực giác nhạy bén và trí tưởng tượng siêu phàm, ông đã tiên đoán sự kiện lịch sử và còn miêu tả chi tiết một cách tài tình cảnh tượng tương lai.
Trước cách mạng, mới chỉ chủ yếu cờ búa liềm xuất hiện công khai chứ chưa phải cờ đỏ sao vàng. Cho đến tháng 8.1945, quyết định chọn quốc kỳ mới được thông qua, nhưng cờ đỏ sao vàng đã phấp phới bay trong Tiến quân ca từ năm 1944. Cũng từ giữa thập niên 1940, ông bắt đầu viết về các lực lượng vũ trang nhân dân khi ấy còn rất non trẻ: du kích (Bắc Sơn), bộ binh (Chiến sĩ VN), pháo binh (Sông Lô). Trong đó, một số binh chủng còn chưa hề tồn tại: không quân và hải quân được thành lập năm 1955, tức sau 10 năm kể từ lúc ra đời các hành khúc Không quân VN và Bài ca chiến sĩ hải quân (1945).
Sông Lô (1947) được viết trong giai đoạn phòng ngự mà đã mang tinh thần tổng phản công, báo trước sắp bước sang giai đoạn mới của cuộc kháng chiến; Tiến về Hà Nội (1949) rộn ràng trong quang cảnh tả thực ngày tiếp quản thủ đô (1954). Khúc khải hoàn dự báo tương lai ấy từng bị chỉ trích là "lạc quan tếu". Tác giả chỉ im lặng, không một lời thanh minh. Hàng chục năm sau, ông mới bộc bạch và vô tình đã để lại lời nhắn nhủ quý giá cho hậu thế: "Mình không viết ra thì sau này ai biết đâu cái suy nghĩ của thằng nghệ sĩ trước những sự kiện trọng đại của đất nước, của dân tộc khi đưa vào tác phẩm nó khó khăn, lao tâm khổ tứ, nó đòi hỏi đến tài năng, sự tiên cảm nghệ sĩ là thế nào?".